Trong bốn Tin Mừng,
địa danh Xy-kha (tiếng Hy Lạp: Sukha, Anh - Pháp: Sychar), chỉ xuất hiện 1 lần ở Ga 4,5. Thành
Xy-kha được người thuật chuyện mô tả như sau: “Vậy Người [Đức Giê-su] đến một
thành Sa-ma-ri, gọi là Xy-kha, gần thửa đất mà Gia-cóp đã cho Giu-se, con của
ông ấy. Ở đó có giếng Gia-cóp” (Ga 4,5-6a). Thánh Giê-rô-ni-mô đồng hoá thành Xy-kha
với thành Si-khem (Shechem). Người ta cũng tìm thấy trong thủ bản Syriac thay
vì viết Xy-kha (Sychar) thì viết là Si-khem, nhưng rất có thể người sao chép
bản văn (copyist) đã sửa Xy-kha thành Si-khem. Đa số tuyệt đối các thủ bản viết
Xy-kha. Câu hỏi đặt ra là thành Xy-kha ở đâu?
Bản đồ từ History
Online
Hình từ http://bibleatlas.org/sychar.htm
Mô tả ở Ga 4,5-6
gợi lại trình thuật trong sách Sáng thế ở 33,18-20: “18
Khi ở Pát-đan A-ram về, ông Gia-cóp đến thành Si-khem, trong đất Ca-na-an, bình
an vô sự, và ông cắm trại đối diện với thành. 19 Ông tậu
của con cái ông Kha-mo, cha của Si-khem, một thửa đất, nơi ông đã căng lều, với
giá một trăm đồng bạc. 20 Tại đây, ông dựng một bàn thờ mà
ông gọi là “Ên, Thiên Chúa của Ít-ra-en” (St 33,18-20, NPD/CGKPV) Đoạn văn nói
về Si-khem chứ không nói đến thành Xy-kha.
Trong toàn bộ Kinh Thánh, địa danh “Xy-kha” chỉ được nói đến 1 lần ở Ga 4,5. Vì
thế, một số nhà chuyên môn đã muốn đồng hoá thành Xy-kha với thành cổ Si-khem.
Tuy nhiên, xu hướng đa số các nhà khảo cổ ngày nay đồng hoá thành Xy-kha với
Askar, một làng nhỏ hiện nay (xem bản đồ).
Tiêu chuẩn để biết
vị trí của thành Xy-kha là (1) gần thửa đất mà Gia-cóp đã cho Giu-se (4,b) và
(2) không xa giếng Gia-cóp (4,6a). Một số nhà chuyên môn đồng hoá Xy-kha với
thành cổ Si-khem bởi vì kết quả khảo cổ cho thấy thửa đất mà Gia-cóp đã cho Giu-se
ở bên cạnh những di tích của thành Si-khem cổ, thành này gần với khu vực ngày
nay gọi là Balata (xem SCHEIN, Following the Way, 1980, p. 205).
Tuy nhiên, nhiều
nhà chuyên môn khác cho rằng: Thành Xy-kha nói đến trong Ga 4,5 là làng Askar
(xem bản đồ trên đây). Rudolf Schnackenburg viết: “Địa danh mà tác giả Tin Mừng
gọi là Xy-kha (hay
Sichar) được đa số đồng hoá với làng Askar ngày nay, đó là một ngôi làng nhỏ
cách giếng Gia-cóp hơn nửa dặm (hơn 800 mét) theo hướng Đông – Bắc” (SCHNACKENBURG, The
Gospel, vol. I, p. 423). Ga 4,5 mô tả gọi Xy-kha bằng từ Hy
Lạp “polis” có nghĩa là “thành” hay ít ra cũng là một “thị trấn”. Những
khảo cổ ở khu vực Balata ngày nay cho thấy vết tích của thành Si-khem cổ, nhưng
không biết rõ khi nào ngôi làng mới được thành lập. Bởi vì thành Si-khem cổ đã
bị John Hyrcan tàn phá năm 128 BCE. Thành phố mới Flavia Neapolis (cách thành Si-khem
cổ khoảng 2,5 km) chưa xuất hiện vào thời Đức Giê-su (30-33 CE). Bởi vì Flavia
Neapolis được hoàng đế Vespasian xây dựng vào năm 72 CE. Ngày nay thành phố này
có tên gọi Nablus. Làng Askar nằm gần chân núi Ê-van (Ebal), phía Đông – Bắc giếng Gia-cóp.
Mảnh đất gần làng Askar thường được cho là thửa đất mà Gia-cóp đã cho Giu-se
(4,5b). Cho dù làng Askar chỉ xuất hiện thời người Ả rập đến ở vùng đất Pa-lét-tin,
có thể cho rằng làng Askar được xây dựng trên thành cổ Xy-kha.
Tóm lại, dựa trên
kết quả khảo cổ ngày nay, địa danh thành Xy-kha có thể định vị tại làng Askar
ngày nay. Đó là một thị trấn của người Sa-ma-ri, ở dưới chân núi Ê-van gần giếng
Gia-cóp. Có thể đã có một cộng đoàn Ki-tô hữu ở Xy-kha vào lúc Tin Mừng Gio-an
được biên soạn cuối thế kỷ I CE.
Ngày 12 tháng 10
năm 2012
Email: josleminhthong@gmail.com
Xem bài viết:
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire