vendredi 12 octobre 2012

Samaritês (người Sa-ma-ri)



Bản đồ Pa-lét-tin thời Đức Giê-su 

 Bản đồ từ History Online

Trong bốn Tin Mừng, danh từ “người Sa-ma-ri” (tiếng Hy Lạp: Samaritês, -ou, ho (danh từ giống đực), Anh: Samaritan, Pháp: Samaritain), xuất hiện 8 lần. Trong đó, 1 lần trong Tin Mừng Mát-thêu (Mt 10:5), 3 lần trong Tin Mừng Lu-ca (Lc 9,52; 10,33; 17,16) và 4 lần trong Tin Mừng Gio-an (Ga 4,9.39.40; 8,48). Danh từ này không xuất hiện trong Tin Mừng Mác-cô. Phần sau trình bày hai mục: (1) Người Sa-ma-ri trong bốn Tin Mừng; và (2) Tương quan giữa “người Sa-ma-ri” và “người Do Thái.”

1. Người Sa-ma-ri trong bốn Tin Mừng

Trong bối cảnh Đức Giê-su sai mười hai Tông Đồ đi rao giảng (Mt 10,1-16), người thuật chuyển kể: “Đức Giê-su sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng: ‘Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Sa-ma-ri’” (Mt 10,5).

Tin Mừng Lu-ca mở đầu trình thuật Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem như sau: “51 Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem. 52 Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến. 53 Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem” (Lc 9,51-53). Sang ch. 10, danh từ “người Sa-ma-ri” xuất hiện trong dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu (Lc 10,29-37). Người thuật chuyện cho biết: “Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương” (Lc 10,33). “Người ấy” trong câu này là người đi “từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết” (Lc 10,30). Trong trình thuật Đức Giê-su chữa mười người mắc bệnh phong (Lc 17,11-19), chỉ có một người quay lại tôn vinh Thiên Chúa. Người thuật chuyện kể: “Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri” (Lc 17,16).

Trong Tin Mừng Gio-an, danh từ “người Sa-ma-ri” xuất hiện 3 lần trong ch. 4 (Ga 4,9.39.40) và 1 lần trong ch. 8 (8,48). Khi Đức Giê-su xin người phụ nữ Sa-ma-ri nước uống: “Cho tôi uống với” (4,7), chị ấy trả lời ở 4,9a: “Làm sao Ông là người Do Thái lại xin tôi nước uống, tôi là một phụ nữ Sa-ma-ri?” Xem mục từ “người Sa-ma-ri” (Samaritis: danh từ giống cái) để nói về người phụ nữ Sa-ma-ri. Mục từ này bàn về “người Sa-ma-ri”: Samaritês (danh từ giống đực). Ở Ga 4,9a, người thuật chuyện giải thích phản ứng của người phụ nữ: “Vì người Do Thái không giao thiệp với người Sa-ma-ri” (4,9b), phần sau sẽ giải thích tại sao lại như thế.

Ở Ga 4,39-34, danh từ “người Sa-ma-ri” ở số nhiều, dùng để chỉ dân thành Xy-kha, họ đến gặp Đức Giê-su, xin Người ở lại với họ và họ đã tin vào Người. Người thuật chuyện kể: “39 Trong thành đó, nhiều người Sa-ma-ri đã tin vào Người, nhờ lời người phụ nữ làm chứng rằng: ‘Ông ấy nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm.’ 40 Vậy khi những người Sa-ma-ri đến với Người, Họ xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. 41 và nhiều người hơn nữa đã tin, nhờ lời của Người” (4,39-41). Đoạn văn này xuất hiện 2 lần “người Sa-ma-ri” và đề cao lòng tin, cũng như sự hiếu khách của họ. Về lòng tin, “nhiều người Sa-ma-ri đã tin vào Người” ở 4,30 và sau đó “nhiều người hơn nữa đã tin,” nhờ lời của Đức Giê-su (4,41). Về lòng hiếu khách, “những người Sa-ma-ri đến với Người” và “họ xin Người ở lại với họ” (4,41).  

Ở Ga 8,48, những người Do Thái kết tội Đức Giê-su: “Chẳng đúng sao, khi chúng tôi nói rằng: Ông là người Sa-ma-ri và là người bị quỷ ám?” (8,48). Trong bối cảnh tranh luận gay gắt ở đoạn văn Ga 8,31-59, đây là lời kết tội nặng nề, vì người Do Thái thù nghịch và xem “người Sa-ma-ri” là người ngoại. Họ kết tội Đức Giê-su là “người bị quỷ ám” nối kết với lời Đức Giê-su kết tội những người Do Thái ở 8,44a: “Các ông thuộc về quỷ là cha các ông, và các ông muốn làm những ước muốn của cha các ông.”

2. Tương quan giữa “người Sa-ma-ri” và “người Do Thái”

Vào thời Đức Giê-su, người Do Thái sống ở Giu-đê và Ga-li-lê thường tránh đi vào vùng đất Sa-ma-ri, bởi vì tương quan giữa người Do Thái và người Sa-ma-ri không mấy tốt đẹp. Các sách Tin Mừng cũng cho thấy bầu khí nghi kỵ, chống đối, và đôi lúc xảy ra xung đột. Chẳng hạn, Tin Mừng Lu-ca thuật lại câu chuyện Đức Giê-su và các môn đệ từ Ga-li-lê đi lên Giê-ru-sa-lem qua ngã Sa-ma-ri, nhưng dân làng Sa-ma-ri đã không tiếp đón (Lc 9,51-53). Ngược lại, người Do Thái xem người Sa-ma-ri là dân không còn dòng máu Do Thái chính thống nữa, nguồn gốc của người Sa-ma-ri là do pha trộn giữa dân Ít-ra-en và dân ngoại. Trong Tin Mừng Lu-ca Đức Giê-su gọi người Sa-ma-ri là người ngoại. Sau khi mười người được chữa khỏi bệnh phong, chỉ có một người Sa-ma-ri quay lại tôn vinh Thiên Chúa và tạ ơn Đức Giê-su (Lc 17,11-16) thì Đức Giê-su nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? 18 Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17,17-18).

Trình trạng chia rẽ giữa người Do Thái và người Sa-ma-ri xảy ra sau khi thành Sa-ma-ri, thủ đô vương quốc Ít-ra-en ở miền Bắc bị sụp đổ năm 722 BCE. Một số dân cư thành Sa-ma-ri và các vùng lân cận bị Sargon II, vua đế quốc Át-sua (Assyria), đưa đi lưu đày. Những người dân Ít-ra-en còn lại phải sống chung với các dân ngoại từ các nơi khác, do Sargon II mang đến. Bởi vì lúc ấy vùng đất Sa-ma-ri đã trở thành thuộc địa của Át-sua. Dần dần người Ít-ra-en ở lại Sa-ma-ri pha trộn với dân ngoại, chịu ảnh hưởng tập tục và tôn giáo của họ, nên không thuần chủng là dân Ít-ra-en nữa.

Sách Các Vua quyển thứ hai thuật lại tình trạng vương quốc Ít-ra-en và lý do vương quốc này sụp đổ ở 2V 17,22-25a: “22 Con cái Ít-ra-en đã bắt chước vua mà phạm mọi tội vua đã phạm, họ không dứt bỏ các tội đó, 23 đến nỗi ĐỨC CHÚA đẩy Ít-ra-en đi cho khuất nhan Người, như Người đã dùng mọi ngôn sứ, tôi trung của Người, mà phán. Ít-ra-en đã bị đày biệt xứ sang Át-sua cho đến ngày nay. 24 Vua Át-sua đã đưa người từ Ba-by-lon, Cu-tha, A-va, Kha-mát và Xơ-phác-va-gim đến định cư ở các thành xứ Sa-ma-ri, thế vào chỗ con cái Ít-ra-en. Họ chiếm Sa-ma-ri và ở trong các thành của xứ này. 25 Ban đầu, khi mới định cư ở đó, họ không kính sợ ĐỨC CHÚA” (NPD/CGKPV).

Sự kỳ thị và xung đột giữa người Do Thái và Sa-ma-ri trở nên mạnh mẽ hơn khi thời lưu đày chấm dứt (538 BCE). Sau thời lưu đày, Những người Do Thái hồi hương về Giê-ru-sa-lem tổ chức xây lại tường thành và Đền Thờ Giê-ru-sa-lem (520-515 BCE). Người Sa-ma-ri muốn góp phần xây lại Giê-ru-sa-lem nhưng không được người Do Thái chấp nhận. Để đáp trả, người Sa-ma-ri đã tìm cơ hội để tố cáo người Do Thái trước các vua Ba Tư. Người Sa-ma-ri đã xây đền thờ trên núi Gơ-ri-dim (Gerizim) để thờ phượng Đức Chúa. Điều này đào sâu thêm sự chia rẽ giữa người Sa-ma-ri và người Do Thái.

Ét-ra thuật lại xung đột giữa dân địa phương và người Do Thái hồi hương về việc xây dựng lại Đền Thờ ở Er 4,1-5: “1 Khi nghe tin là các người lưu đày trở về đang xây một Đền Thờ kính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Ít-ra-en, 2 thì những kẻ thù của Giu-đa và Ben-gia-min đến gặp ông Dơ-rúp-ba-ven, và những người đứng đầu các gia tộc, mà nói: ‘Chúng tôi muốn được cùng xây với các ông, bởi cũng như các ông, chúng tôi tìm kiếm Thiên Chúa của các ông, và dâng lễ tế kính Người, từ ngày Ê-xa-khát-đôn, vua Át-sua, đem chúng tôi lên đây.’ 3 Ông Dơ-rúp-ba-ven, ông Giê-su-a và những người khác, là những người đứng đầu các gia tộc Ít-ra-en, bảo họ: ‘Việc xây Nhà cho Thiên Chúa chúng tôi không phải là việc chung của các ông và chúng tôi, vì chỉ có chúng tôi sẽ xây cho ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Ít-ra-en, theo lệnh vua Ky-rô, vua Ba-tư, đã ban cho chúng tôi.’ 4 Khi đó, dân trong xứ bắt đầu làm cho dân Giu-đa bủn rủn tay chân và sợ hãi, để họ không xây cất nữa. 5 Chúng mua chuộc các cố vấn, để làm hỏng ý định của dân Giu-đa trong suốt thời vua Ky-rô, vua Ba-tư, mãi cho đến triều vua Đa-ri-ô, vua Ba-tư” (NPD/CGKPV). Trong câu chuyện xung đột trên, các cụm từ “kẻ thù của Giu-đa và Ben-gia-min” (Er 4,1) và “dân trong xứ” (Er 4,4) là những người sống trên đất Pa-lét-tin khi dân Giu-đa bị đưa đi lưu đày, trong số đó có người Sa-ma-ri.

Vào thời Đức Giê-su, khi người Do Thái muốn đi từ Giu-đê về Ga-li-lê hay từ Ga-li-lê lên Giê-ru-sa-lem họ thường không đi ngang qua vùng Sa-ma-ri mà đi vòng dọc theo thung lũng sông Gio-đan, rồi từ Giê-ri-cô đi lên Giê-ru-sa-lem. “Phải cộng thêm khoảng 25 dặm (40 km) vào hành trình, nhưng đáng làm, nếu muốn tránh đi ngang qua Sa-ma-ri” (WALKER, In the Steps of Jesus, 2006, p. 82). Josephus cũng cho biết  con đường ngắn nhất để đi từ Giu-đê đến Ga-li-lê là đi ngang qua Sa-ma-ri. Josephus viết: “Đó là điều thực sự cần thiết cho những ai muốn đi nhanh [tới Giê-ru-sa-lem] thì đi ngang qua vùng đất đó [Sa-ma-ri], bởi vì đi theo đường này, bạn có thể mất ba ngày đi đường từ Ga-li-lê tới Giê-ru-sa-lem” (Josephus Life, 52:269). Trong thực tế, người Do Thái thường tránh đi qua miền Sa-ma-ri.


Ngày 12 tháng 10 năm 2012
Email: josleminhthong@gmail.com

Xem bài viết:

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire