Trong cả bốn Tin Mừng, không xuất hiện địa
danh “Gơ-ri-dim” (Gerizim) và “Ê-van” (Ebal).
Chỉ 1 lần trong Ga 4,20 nói gián tiếp đến núi Gơ-ri-dim trong cuộc trao đổi
giữa Đức Giê-su và người phụ nữ Sa-ma-ri bên bờ giếng Gia-cóp, giếng này bên cạnh núi Gơ-ri-dim. Người phụ
nữ Sa-ma-ri nói với Đức Giê-su: “Cha ông chúng tôi đã thờ phượng ở núi này; còn
các ông, các ông nói rằng: ở Giê-ru-sa-lem mới là nơi phải thờ phượng” (Ga
4,20). Khi người phụ nữ nói về việc thờ phượng “ở núi này” (en tô orei) tức là
núi Gơ-ri-dim.
Vị trí núi Gơ-ri-dim (Gerizim) và núi Ê-van (Ebal)
Bản đồ từ Bible History Online
Vào thời Giô-suê
núi Gơ-ri-dim và núi Ê-van là nơi Giô-suê đọc những lời chúc phúc và
nguyền rủa trong sách Luật cho dân nghe. Sách Giô-suê kể ở Gs 8,32-34: “32 Ông Giô-suê cho khắc bản sao Luật Mô-sê trên những tảng đá;
ông Mô-sê đã viết Luật đó trước mặt con cái Ít-ra-en. 33
Toàn thể Ít-ra-en, các bậc kỳ mục, kinh sư và thẩm phán đều đứng hai bên Hòm
Bia, đối diện với các tư tế Lê-vi khiêng Hòm Bia Giao Ước của ĐỨC
CHÚA, người ngoại kiều cũng như người bản xứ, một nửa đứng trước núi
Gơ-ri-dim, một nửa đứng trước núi Ê-van, để theo lệnh ông Mô-sê, tôi trung của ĐỨC CHÚA, dân Ít-ra-en được chúc phúc trước. 34
Sau đó, ông Giô-suê đọc mọi lời của Lề Luật, –những lời chúc phúc và những lời
nguyền rủa–, theo như mọi điều đã ghi trong Sách Luật” (NPD/CGKPV). Đây là núi Gơ-ri-dim và núi Ê-van
ngày nay.
Hình từ BiblePlaces.com
Núi Gơ-ri-dim bên phải và núi Ê-van bên trái
Núi Gơ-ri-dim thuộc vùng
đồi núi Sa-ma-ri, núi này cao khoảng 868 mét so với mực nước biển Địa Trung Hải
và cao 244 mét tính từ chân núi. Núi Ê-van bên cạnh, cao 938 mét so với mực
nước biển Địa Trung Hải và cao 366 mét tính từ chân núi (xem chi tiết tại
http://bibleatlas.org và http://classic.net.bible.org). Giữa hai núi Gơ-ri-dim và Ê-van là
vùng đất thành Si-khem (ngày nay là thành Nablus). Xy-kha (Askar) ở chân núi
Ê-van và phía nam là giếng Gia-cóp theo hướng núi Gơ-ri-dim.
Theo sử gia
Josephus, Sanballat là thủ lãnh người Sa-ma-ri đã xây một đền thờ trên núi Gơ-ri-dim, và thiết lập
làng tư tế đối lập với đền thờ và tư tế ở Giê-ru-sa-lem (cf. Josephus Ant.
11:8,2-4). Sự căng thẳng về tôn giáo giữa người Do Thái và người Sa-ma-ri đã
dẫn đến biến cố John Hyrcan phá huỷ đền thờ trên núi Gơ-ri-dim vào cuối thế kỷ II BCE. Trước đó đền thờ Gơ-ri-dim đã tồn tại
200 năm. Vào thời kỳ Kitô giáo được đế quốc Rô Ma nhìn nhận và phát triển trên
toàn đế quốc, một nhà thờ Ki-tô giáo hình bát giác (octagonal church) được xây
dựng trên núi Gơ-ri-dim vào năm 475 CE. Sau đó nhà thờ này bị người Hồi Giáo phá huỷ vào thế kỷ
VIII (xem WALKER, In the Steps of Jesus, 2006, p. 89). Đây là di tích nhà
thờ Ki-tô giáo trên núi Gơ-ri-dim ngày nay:
Hình của Ron Peled
Hình từ Illustrated Dictionary
Những thông tin về núi
Gơ-ri-dim và núi Ê-van trong dòng lịch sử, từ Cựu Ước đến Tân Ước và cho đến
ngày nay, giúp độc giả hiểu rõ hơn thông điệp của câu chuyện Đức Giê-su gặp gỡ
và trao đổi với người Sa-ma-ri ở Ga 4,1-43.
Ngày 12 tháng 10 năm 2012
Email: josleminhthong@gmail.com
Xem bài viết:
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire