vendredi 26 octobre 2012

egeirô (trỗi dậy, xuất hiện...), trong Tin Mừng Gio-an


Động từ Hy Lạp: egeirô xuất hiện 13 lần trong Tin Mừng Gio-an ở các nơi: 2,19.20.22; 5,8.21; 7,52; 11,29; 12,1.9.17; 13,4; 14,31; 21,14 và có 4 nghĩa:
(1) “Dựng lại”, (tiếng Anh: raise up, construct; Pháp: relever, construire), 2 lần: 2,19.20.
(2) “Xuất hiện”, (tiếng Anh: appear, arise; Pháp: apparaître, se lever), 1 lần: 7,52.
(3) “Trỗi dậy” theo nghĩa  “đứng lên”, “đứng dậy”, (tiếng Anh: raise up; Pháp: se relever), xuất hiện 4 lần: 5,8; 11,29; 13,4; 14,31.
(4) “Trỗi dậy” theo nghĩa “sống lại”, (tiếng Anh: raise up; Pháp: se lever), xuất hiện 6 lần: 2,22; 5,21; 12,1.9.17; 21,14.

1) Egeirô: Dựng lại, “dựng lại Cung Thánh” (2 lần: 2,19.20)

Động từ egeirô có nghĩa “dựng lại”, xuất hiện 2 lần trong đoạn văn 2,13-22, thuật lại tranh luận giữa Đức Giê-su và những người Do Thái. Sau khi Đức Giê-su đuổi những kẻ buôn bán trong Đền Thờ, những người Do Thái đã chất vấn Đức Giê-su: “Bằng dấu lạ nào Ông [Đức Giê-su] chứng tỏ cho chúng tôi là Ông có quyền làm điều đó?” (2,18). Đức Giê-su nói với họ: “Các ông hãy phá Cung Thánh này; và trong ba ngày, Tôi sẽ dựng lại (egerô) nó” (2,19). Họ liền nói lại: “Cung Thánh này được xây dựng bốn mươi sáu năm, còn Ông, Ông dựng lại (egereis) nó trong ba ngày sao?” (2,20). Những người Do Thái không hiểu ý Đức Giê-su, họ chỉ hiểu theo nghĩa xây dựng một “Cung Thánh” vật chất mà không hiểu là Đức Giê-su muốn nói đến chính sự phục sinh thân xác của Người. Người thuật chuyện cho biết: “Người [Đức Giê-su] nói về Cung Thánh là thân thể của Người” (2,21). Ở các câu 2,19-20, xuất hiện 2 lần động từ egerô để nói về việc “dựng lại” Cung Thánh. Lần thứ nhất Đức Giê-su nói “dựng lại” Cung Thánh theo nghĩa thần học (2,19). Lần thứ hai những người Pha-ri-sêu nói “dựng lại” Cung Thánh theo nghĩa vật chất (2,20).

2. Egeirô: Xuất hiện (1 lần: 7,52)

Sau khi nghe Đức Giê-su giảng dạy (x. 7,14.40), đám đông dân chúng, trong đó có cả những người Do Thái (7,15) và những người Pha-ri-sêu (7,32), có những biểu hiện khác nhau. Giáo huấn của Đức Giê-su (7,14-39) dẫn đến những phản ứng khác nhau về Người (7,40-41) và đã có chia rẽ giữa đám đông (7,43). Các thượng tế và những người Pha-ri-sêu tỏ ra khó chịu với các thuộc hạ của mình khi không tra tay bắt Đức Giê-su. Họ đã khiển trách các thuộc hạ vì những người này thán phục lời rao giảng của Đức Giê-su (7,45-48). Họ còn nguyền rủa đám đông vì đám đông không biết Lề Luật (7,49). Trong hoàn cảnh này, Ông Ni-cô-đê-mô, một người trong nhóm Pha-ri-sêu, đã nói với các thượng tế và những người Pha-ri-sêu để cho thấy chính họ cũng chẳng giữ Lề Luật: “Lề Luật của chúng ta không kết án người nào, nếu trước đó không nghe người ấy và biết người ấy làm gì phải không?” (7,51). Thế nhưng, họ đã cố gắng lẩn tránh lời tố cáo của ông Ni-cô-đê-mô bằng cách khiển trách ông: “Không phải chính ông cũng là người Ga-li-lê sao? Hãy nghiên cứu và thấy rằng: Không một ngôn sứ nào xuất hiện (egeiretai) từ Ga-li-lê cả” (7,52). Có truyền thống cho rằng người ta không biết rõ vị trí của vị ngôn sứ mà dân Ít-ra-en đang mong đợi ở đâu (x. 7,27). Thực ra, Đức Giê-su vừa xuất thân từ Ga-li-lê, vì Người là con ông Giu-se (6,41); Người vừa đến từ Thiên Chúa, vì Người không chỉ là một ngôn sứ mà còn là Con Một của Thiên Chúa (x. 1,18). Trong câu trả lời của những người lãnh đạo và các Pha-ri-sêu (7,52), người thuật chuyện đã sử dụng động từ egerô để nói đến việc “xuất hiện” theo nghĩa “trỗi dậy” của một vị ngôn sứ ở một nơi nào đó.

3. Egeirô: Trỗi dậy, đứng lên, đứng dậy (4 lần)

Động từ egeirô có nghĩa “trỗi dậy”, “đứng lên”, “đứng dậy” hay thoát khỏi một tình trạng hay ví trí, xuất hiện 4 lần trong Tin Mừng Gio-an ở 5,8; 11,29; 13,4; 14,31. Có một chi tiết lạ lùng trong trình thuật Đức Giê-su chữa lành người bại liệt tại hồ Bết-da-tha (5,1-9) vào ngày Sa-bát (x. 5,9). Khi Đức Giê-su hỏi người bại liệt: “Anh muốn trở nên khoẻ mạnh không?”, thay vì tuyên xưng niềm tin của mình như viên sĩ quan nhà vua (x. 4,49) trước lời mời gọi của Người, người bại liệt đã trả lời bằng một lời phàn nàn: “Thưa Ngài, tôi không có người nào để đem tôi xuống hồ khi nước được khuấy động. Trong khi tôi đến đó, người khác xuống trước tôi” (5,7). Đức Giê-su nói với người ấy: “Anh hãy trỗi dậy (egeire), hãy vác chõng của anh và hãy bước đi” (5,8). Và người bại liệt liền khoẻ mạnh và đi được (x. 5,9). Trong câu nói của Đức Giê-su (5,8), xuất hiện động từ egerô để nói về hành động “trỗi dậy” hay “đứng dậy” của một người bại liệt từ tĩnh sang động.

Ở ch. 11, trong đoạn văn nói về Ma-ri-a và Đức Giê-su (11,28-32), người thuật chuyện cho thấy thái độ mong chờ và đón tiếp Đức Giê-su của Ma-ri-a. Khi vừa nghe Mác-ta nói là “Thầy [Đức Giê-su] đến rồi và Thầy gọi em” (11,28), “Ma-ri-a vội đứng lên (êgerthê) đến với Người” (11,29). Trong câu này (11,29), hành động “đứng lên” hay “trỗi dậy” của Ma-ri-a được diễn tả bằng động từ egerô.

Trong đoạn văn nói về việc Đức Giê-su rửa chân cho các môn đệ (13,1-11), người thuật chuyện kể: “4 Người trỗi dậy khỏi bàn ăn, cởi áo ngoài và lấy khăn thắt lưng mình. 5 Rồi Người đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân các môn đệ và lấy khăn Người thắt lưng mà lau” (13,4-5). Người thuật chuyện đã sử dụng động từ egerô để diễn tả hành động trỗi dậy khỏi bàn ăn của Đức Giê-su.

Trong đoạn văn 14,27-41, có sự thay đổi mạch văn trong những lời an ủi cuối cùng của Đức Giê-su dành cho các môn đệ. Khi Đức Giê-su đang nói về việc Người để lại bình an cho các môn đệ, việc Người ra đi và niềm vui của các môn đệ có khi họ yêu mến Người, việc Thủ lãnh thế gian đang đến, thì trình thuật kết thúc đột ngột với lời nói của Đức Giê-su: “Hãy đứng dậy (egeiresthe), chúng ta ra khỏi đây” (14,31). Trong câu này (14,31), xuất hiện động từ egeirô để diễn tả hành động “đứng dậy” của Đức Giê-su và các môn đệ. Lệnh truyền đứng dậy ra đi này không được thực hiện, vì Đức Giê-su còn tiếp tục nói với các môn đệ 2 chương nữa (ch. 15–16) và Người ngỏ lời với Cha của Người trong ch. 17. Đến đầu ch. 18 Đức Giê-su và các môn đệ mới ra đi. Có thể giải thích hiện tượng này bằng quá trình “đọc lại bản văn”. Có thể nói Ga 15–17 là kết quả của quá trình suy tư, “đọc lại” và sống giáo huấn của Đức Giê-su, sau đó được đưa vào sách Tin Mừng. Câu 14,31 tiếp nối tự nhiên với 18,1.

Như vậy, trong các đoạn văn trên (5,8; 11,29; 13,4; 14,31), động từ “egeirô” được sử dụng để diễn tả sự “trỗi dậy” hay “đứng dậy” hay “đứng lên” của một người.

4. Egeirô: Trỗi dậy là sống lại từ giữa kẻ chết (6 lần)

Động từ egeirô: Trỗi dậy, theo nghĩa “sống lại” từ giữa kẻ chết, xuất hiện 6 lần trong Tin Mừng Gio-an: 2,22; 5,21; 12,1.9.17; 21,14.
Trước sự hiểu lầm của những người Do Thái về Cung Thánh là thân thể Đức Giê-su và Cung Thánh theo nghĩa vật chất trong đoạn văn 2,23-22, người thuật chuyện đã thêm vào một câu để giải thích cho độc giả: “Vậy khi Người [Đức Giê-su] được trỗi dậy (êgerthê) từ giữa những kẻ chết, các môn đệ của Người nhớ lại Người đã nói điều đó, và họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói” (2,22). Trong câu giải thích này (2,22), Đức Giê-su là túc từ của động từ “trỗi dậy”, động từ chia ở dạng thụ động và tác nhân không được nói ra. Kiểu hành văn này được gọi là “thụ động Kinh Thánh”. Chủ từ của động từ “trỗi dậy” được hiểu ngầm là Thiên Chúa. Động từ egeirô ở đây để diễn tả sự “trỗi dậy” hay “sống lại” của Đức Giê-su từ giữa những kẻ chết.

Ở đoạn văn nói về sự sống và sự xét xử (5,19-30), Đức Giê-su đã nói với những người Do Thái: “Cha Tôi làm việc cho đến bây giờ, Tôi cũng làm việc” (5,17). Để trả lời cho phản ứng khó chịu của những người Do Thái khi nghe lời này, Đức Giê-su đã giải thích mối quan hệ đặc biệt của Người với Cha của Người như sau: “19 Vậy Đức Giê-su trả lời và nói với họ: A-men, A-men, Tôi nói cho các ông: Con không thể tự mình làm điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Cha làm; vì những điều Đấng ấy làm, Con cũng làm những điều đó như vậy. 20 Vì Cha thương mến con và tỏ bày cho Người mọi điều mình làm, và sẽ tỏ bày cho Người những việc lớn lao hơn nữa, khiến chính các ông kinh ngạc. 21 Vì như cha làm trỗi dậy (egeirei) kẻ chết và làm cho sống thế nào, Con cũng làm cho sống những ai Người muốn như vậy” (5,19-21). Theo truyền thống, chỉ một mình Thiên Chúa, Cha của Đức Giê-su, mới làm trỗi dậy hay làm sống lại những kẻ đã chết; ở đây, Đức Giê-su cũng có quyền năng làm việc đó. Như thế, Đức Giêsu có quyền năng ngang hàng với Thiên Chúa. Trong câu 5,21, động từ egeirô được dùng để diễn tả hành động “trỗi dậy” hay sự “sống lại” của kẻ chết.

Nghĩa “trỗi dậy” của động từ egeirô xuất hiện 3 lần trong ch. 12 (12,1.9.17). Trong đoạn văn nói về việc Ma-ri-a xức dầu thơm cho Đức Giê-su tại Bê-ta-ni-a (12,1-11), người thuật chuyện đã giải thích nơi đến của Đức Giê-su để cho độc giả dễ hiểu: “Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su đến Bê-ta-ni-a, nơi La-da-rô ở, người mà Đức Giê-su cho trỗi dậy (êgeiren) từ giữa những kẻ chết” (12,1). Trong câu này xuất hiện động từ egeirô để diễn tả việc “trỗi dậy” hay “sống lại” của La-da-rô. Cũng trong đoạn văn 12,1-11, người thuật chuyện kể về đám đông: “Nhiều đám đông người Do Thái biết là Người [Đức Giê-su] ở đó. Họ đến không chỉ vì Đức Giê-su, nhưng còn để thấy La-da-rô, người đã trỗi dậy (êgeiren) từ giữa những kẻ chết” (12,9). Ở câu 12,9, hành động “trỗi dậy” hay “sống lại” của La-da-rô được diễn tả qua động từ egeirô. Và cũng trong ch. 12, động từ egeirô xuất hiện lần thứ ba ở đoạn văn nói việc Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem và được nhiều đám đông chào đón nồng nhiệt (12,12-19). Những đám đông này cũng chính là đám đông thấy La-da-rô trỗi dậy, người thuật chuyện kể: “Vậy đám đông làm chứng, họ là những người đã có mặt với Người [Đức Giê-su], khi Người gọi La-da-rô ra khỏi mồ và làm cho anh ấy trỗi dậy (êgeiren) từ giữa những kẻ chết” (12,17). Ở câu 12,17, động từ egeirô diễn tả hành động “trỗi dậy” hay “sống lại” của La-da-rô. Tóm lại, trong ch. 12, xuất hiện 3 lần động từ egeirô (12,1.9.17), diễn tả hành động “trỗi dậy” của La-da-rô từ giữa những kẻ chết.

Ở ch. 21, người thuật chuyện kết thúc trình thuật mẻ cá lạ lùng (21,1-14) như sau: “Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi được trỗi dậy (egertheis) từ giữa những kẻ chết” (21,14). Trong câu này, động từ egeirô được dùng để diễn tả việc “trỗi dậy” hay “sống lại” của Đức Giê-su. Động từ egeirô ở 21,14 được dùng ở dạng “thụ động Kinh Thánh”, hiểu ngầm là Đức Giê-su được Thiên Chúa cho trỗi dậy từ giữa những kẻ chết.

Kết luận

Trong Tin mừng Gio-an, động từ “egeirô” có 4 nghĩa: (1) “Dựng lại” Cung Thánh theo nghĩa thần học và nghĩa vật chất; (2) “Xuất hiện”; (3) “Trỗi dậy”, “đứng dậy” hay “đứng lên”, nghĩa là thoát khỏi một tình trạng hay vị trí; (4) “Trỗi dậy” theo nghĩa “sống lại” từ giữa những kẻ chết. Đức Giê-su không chỉ được Thiên Chúa cho trỗi dậy hay sống lại mà Người còn có quyền năng làm cho người chết trỗi dậy (5,21), vì Người là Con Thiên Chúa, nên cũng có quyền năng giống như Thiên Chúa.  


Ngày 26 tháng 10 năm 2012
Vinh sơn Ngô Đức Duy, O.P.
Email: vinhsonduyop@gmail.com

Thư mục tham khảo

BEASLEY-MURRAY, G. R., John, (World Biblical Commentary, vol. 36), Dallas (TX), Word Books Publishers, 1987, (Second edition, Nashville, Thomas Nelson Publishers, 1999).
BROWN, Raymond E.; FITZMYER, Joseph A.; MURPHY, Roland E., The New Jerome Biblical Commentary, London: Prentice-Hall International, 1990.
HOWARD-BROOK, Wes., Becoming Children of God, New York: Orbis Books, 1994.
LÊ MINH THÔNG, Giu-se, (dịch giả), Bản văn Gio-an, TIN MỪNG và BA THƯ, Hy Lạp – Việt, Nxb. Tôn Giáo, 2011.
MCPOLIN, James, John, (New Testament Message - A biblical-Theological Commentary, vol.6). Manila, Saint Paul publications, 1988.
MOLONEY, F. J., The Gospel of John, (SPS 4), Collegeville (MN), The Liturgical Press, 1998.
THAYER, “egerô,” trong Greek Lexicon (Bible Works 8).


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire